Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Bệnh xơ gan chưa có phép trị


Bệnh xơ gan là một bệnh nguy hiểm và thường gặp ở nước ta. Đây là một bệnh mạn tính kéo dài có tiên lượng xấu và có tỷ lệ tử vong cao bởi cho đến nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu (kể cả Tây y và Đông y).

Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh xơ gan

Bệnh xơ gan do viêm gan virut (nhất là viêm gan virut B và C):  bệnh xơ gan sau khi bị viêm gan do virut là do tế bào gan bị hoại tử bởi sự tấn công của virut viêm gan cho nên người ta còn gọi là xơ gan hoại tử. Ở nước ta, xơ gan do virut chiếm một tỷ lệ đáng kể (khoảng 40%). Khi bị nhiễm virut viêm gan B có tới 90% tự khỏi hoàn toàn không cần có bất kỳ một can thiệp nào, không cần một loại thuốc nào. Nhưng 10% người nhiễm virus viêm gan B còn lại có thể trở thành viêm gan B mãn tính hoặc người lành mang virut viêm gan B. Người ta thấy rằng đối với viêm gan B mãn tính thì loại viêm gan B thể hoạt động là đáng lo ngại nhất bởi vì chúng rất dễ dẫn đến xơ gan. Xơ gan sau viêm gan B mãn tính là loại tiên lượng xấu nhất bởi vì có khoảng 75% bệnh nhân tử vong trong vòng từ 1- 5 năm do chảy máu đường tiêu hoá hoặc hôn mê gan hoặc ung thư hoá.




Bệnh xơ gan là một bệnh nặng, tiên lượng rất xấu nhất là khi xơ gan đã có cổ trướng (báng nước) hoặc hoàng đản (vàng da). Có khoảng gần 70% tử vong trong năm đầu và khoảng 85% sau 2 năm bị bệnh xơ gan. Tuy vậy bệnh tiến triển như thế nào còn tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, làm việc cũng như việc phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn khác tốt hay không. Kết cục của bệnh xơ gan có thể bị chảy máu tiêu hoá điển hình vỡ tĩnh mạch thực quản gây chảy máu ồ ạt đưa đến tình trạng sốc do trụy tim mạch rất khó cứu chữa. Hầu hết các trường hợp khác có thể hôn mê dẫn đến tử vong hoặc bị ung thư hoá.

Bệnh xơ gan do mắc bệnh sốt rét:

Những người có tiền sử mắc bệnh sốt rét do ký sinh trùng sốt rét phá hủy tế bào gan làm xơ hoá tổ chức gan, gây rối loạn chức năng gan lâu dần làm xơ gan. Trong xơ gan do bệnh sốt rét thường thấy lách to và người ta cũng thống kê thấy rằng nhiều trường hợp xơ gan ở những bệnh nhân có chứng lách to nhưng không rõ nguyên nhân.

Bệnh xơ gan do suy tim: Những người mắc bệnh tim gây suy tim kéo dài (suy tim phải hoặc suy tim toàn bộ) cũng có thể dẫn đến gan bị xơ hoá tuy vậy loại xơ gan do suy tim gặp với tỷ lệ thấp bởi vì xơ gan là một tình trạng bệnh mạn tính, kéo dài về thời gian mà khi bị suy tim toàn bộ thì tỷ lệ tử vong sớm hơn khi chưa bị xơ gan.

Bệnh xơ gan do rượu: là một loại xơ gan hay gặp nhất ở các nước có người nghiện rượu và chiếm tỷ lệ cao nhất là những đối tượng uống các loại rượu tự pha chế, rượu tự nấu chưa được khử các chất độc có trong rượu thì các chất độc này càng ngày càng làm tổn hại tế bào gan và gây xơ gan. Tuy nhiên xơ gan do rượu xảy ra không phải ngày một ngày hai mà do ngộ độc các chất độc một cách từ từ gây nên gan bị nhiễm mỡ, viêm gan mãn tính rồi mới bị bệnh xơ gan, vì vậy có thể xơ gan sẽ xảy ra trong một khoảng thời gian khá dài có khi đến chục năm sau nghiện rượu.

Ngoài ra, xơ gan gặp trong các bệnh về mật như viêm túi mật mãn tính, sỏi đường dẫn mật, các bệnh về mật làm cho ứ mật, tắc mật lâu dần sẽ tác động xấu đến tế bào gan gây xơ gan.

Làm thế nào phát hiện được bệnh xơ gan?

Ngoài việc khám lâm sàng khi mới bị bệnh xơ gan (gan to, mặt gan nhẵn, hơi cứng, bề mặt gan lồi lõm, có thể ấn đau; lách to) và nắm bắt tiền sử của bệnh (sốt rét, nghiện rượu, viêm gan, tiếp xúc với chất độc dài ngày…) thì một số xét nghiệm đóng vai trò đáng kể giúp thầy thuốc lâm sàng có thêm các thông tin cần thiết cho việc xác định bệnh xơ gan. Thông thường tỷ lệ protein máu bị giảm nhất là giảm albumin nên có tỷ lệ albumin/globulin bị giảm hoặc đảo ngược, tỷ lệ prothrombin bị giảm, globulin huyết thanh tăng, số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu giảm, tế bào non của tủy tăng cao. Nếu xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy albumin và tế bào trụ niệu. Siêu âm gan cũng đóng góp đáng kể trong chẩn đoán xơ gan. Hiện tượng tăng âm lan toả trên cả 2 thùy gan. Sinh thiết gan có thể thấy được cấu trúc của gan bị biến dạng, tăng sinh tổ chức cũng như có thể hình thành các cục ở nhu mô gan một hoặc hai thùy.
PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu-SKĐS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét