Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Những điều mẹ bầu cần biết về bệnh viêm gan B

Viêm gan B với bà bầu

(wish.vn) Người mẹ mắc bệnh viêm gan B có thể truyền virus sang bé với tỷ lệ từ 10-20% nếu không được điều trị trong thai kỳ.

Viêm gan B hay còn gọi là viêm gan siêu vi B là một bệnh truyền nhiễm thường gặp, do virus có ái tính với tế bào gan gây ra. Bệnh lây qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ sang con, gây viêm và tổn thương tế bào gan.

Triệu chứng viêm gan B như thế nào

Nếu nhiễm viêm gan B, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chán ăn và bị vàng da (da và lòng trắng của mắt trở nên vàng nhợt). Một số trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng nên người bệnh không biết rằng mình đã nhiễm virus viêm gan B. Cách nhận biết bệnh ở phụ nữ mang thai là phân tích mẫu máu và kiểm tra chức năng gan.

Cơ chế lây nhiễm
Virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao qua đường máu, chất dịch ở vùng kín (cả ở nam giới và nữ giới) và các chất dịch khác trong cơ thể.
Vì vậy, bạn có thể mắc viêm gan B qua những con đường sau:
Quan hệ tình dục với người mắc viêm gan B.
Bẩm sinh (nếu mẹ của bạn mắc viêm gan B).
Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo (có dính máu) với người mắc viêm gan B.
Nhận máu từ người mắc viêm gan B.

Nguy cơ cho mẹ và bé
Nguy cơ đối với bé: Trước tiên cần khẳng định việc có thai không phải là yếu tố khiến bệnh viêm gan B ở mẹ nặng thêm mà ngược lại, virus viêm gan B không gây ảnh hưởng xấu tới tiến trình mang thai, cũng như tới bào thai.

Phần lớn quá trình mang thai ở người mắc bệnh viêm gan B vẫn tiến triển bình thường, thai nhi phát triển tốt và không có nguy cơ bị dị tật. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, người mẹ có thể truyền virus sang bé với tỷ lệ từ 10-20%. Đặc biệt, nguy cơ lây bệnh cho bé có thể lên tới 80-90% nếu mẹ mắc viêm gan B nặng trong tam cá nguyệt thứ ba, do tải lượng virus trong máu cao sẽ làm gia tăng nguy cơ lây truyền. Khi đó, em bé có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B mãn tính (không thoát khỏi virus này trong suốt cuộc đời) đến 90%.
Trẻ sơ sinh mắc viêm gan B mãn tính thường không có triệu chứng của bệnh khi mới chào đời nhưng về sau này có khả năng mắc các bệnh suy gan mãn tính, xơ gan và ung thư gan cao hơn.

Nguy cơ đối với mẹ: Khi nhiễm virus viêm gan B, chức năng gan của người mẹ bị suy giảm. Vì thế nếu bị sảy thai hoặc khi sinh bé, người mẹ có nguy cơ tử vong cao hơn (do đã mất các yếu tố đông máu) và có thể rơi vào tình trạng hôn mê (do gan đã mất chức năng chống độc).

Cách xử trí đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm gan B

Nếu mẹ bị viêm gan siêu vi B thì bé sơ sinh sẽ được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống virus viêm gan B (Ig anti-HB) ngay trong phòng sinh. Sau đó, bé được tiêm 3 mũi vắc-xin viêm gan B theo công thức: mũi 1 sau khi sinh, mũi 2 khi bé được 01 tháng tuổi và mũi 3 khi bé được 06-12 tháng tuổi. Bé sẽ cần được tiêm nhắc lại sau 15 năm. Khi thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ như vậy, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con sẽ giảm hơn 90%.

Phụ nữ mang thai có lượng virus cao trong 03 tháng cuối của thai kỳ có thể dùng thuốc kháng virus để làm giảm lượng virus, từ đó giảm khả năng lây truyền sang con.

Nuôi con bằng sữa mẹ ở những phụ nữ mắc bệnh viem gan B
Khi trẻ đã được bảo vệ bằng huyết thanh và vắc-xin thì vẫn nên cho trẻ bú mẹ vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật. Hai hội nghị chuyên gia Âu-Mỹ gần đây không khuyến cáo việc các bà mẹ mắc bệnh viêm gan B không cho con bú vì chưa chứng minh được sự lây nhiễm của viêm gan B qua đường sữa.

Nguồn: babycenter.com, medscape.com, ykhoa.net, asianlivercentre.com.vn và SGT ĐH Y Hà Nội (wish.vn tổng hợp).

Xem thêm : chữa viêm gan b, dieu tri benh viem gan b, chữa bệnh viêm gan b

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét